Công ty nợ lương kéo dài, người lao động làm gì để đòi quyền lợi?

Từ tháng 6-2010 đến nay, tôi làm việc tại một công ty ở TX. Long Khánh. Hiện nay, công ty đã nợ tôi cùng toàn thể công nhân đang làm việc tại nhà máy và những công nhân công ty cho nghỉ đang chờ việc từ 11 đến 20 tháng lương. Trong thời gian đó, công ty đã đưa ra rất nhiều thông báo và lộ trình trả lương cho người lao động nhưng tất cả các thông báo này đều không có hiệu lực. Ngoài ra, công ty cũng chưa đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động (cụ thể, bảo hiểm xã hội mới đóng đến năm 2012 và bảo hiểm y tế được vài lần), tiền công đoàn phí vẫn bị công ty trừ vào lương nhưng từ năm 2012 đến nay Công đoàn không hoạt động và chế độ gì cho người lao động. Vậy tôi và các công nhân khác phải làm thế nào để đòi được tiền lương và các chế độ. Hôm 24-5-2015, tôi cùng toàn thể công nhân đã dừng công việc, gửi đơn yêu cầu trả lương và các chế độ đến lãnh đạo công ty cùng cơ quan chức năng của thị xã và tỉnh.

Ngoài việc gửi đơn đến Phòng LĐ-TBXH TX. Long Khánh, bạn có thể gửi đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội đến cơ quan Bảo hiểm xã hội TX. Long Khánh. Hơn nữa, bạn và các công nhân khác có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Sở LĐ-TBXH và UBND TX. Long Khánh đề nghị các cơ quan này lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm pháp luật của công ty.
Bên cạnh đó, một phương pháp khác mà bạn và các công nhân khác có thể áp dụng. Vì công ty này đã nợ bạn cùng toàn thể công nhân đang làm việc tại nhà máy và những công nhân công ty đang cho nghỉ chờ việc từ 11 đến 20 tháng lương nên các bạn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật Phá sản năm 2014, người lao động, Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp ở những nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào