Hưởng lương như thế nào khi làm thêm vào ngày lễ, Tết, ngày nghỉ
Hiện nay, nhiều công ty có quy định cụ thể về vấn đề này và tuân thủ nghiêm Luật Lao động và các quy định của Nhà nước về việc trả lương cho người lao động khi làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày lễ, Tết, chủ nhật…
Tuy nhiên trong thực tế, vẫn có những công ty không thực hiện đúng những quy định này và đôi khi còn “lách luật” để không phải trả tiền tăng thêm cho người lao động khi làm thêm giờ, làm vào các ngày lễ, nghỉ.
Nhận diện những cách trả lương không đúng
Một là, người lao động phải làm việc vào các ngày lễ, Tết, chủ nhật nhưng công ty chỉ trả lương như ngày thường và sau đó cho người lao động nghỉ bù vào những ngày không có việc hay ngày cúp điện.
Hai là, người lao động làm tăng ca 12 tiếng/ngày, tức theo quy định ngày làm 8 tiếng thì người lao động đã tăng ca 4 tiếng. Theo quy định 4 tiếng tăng ca này người lao động phải được trả lương bằng 150% tiền lương theo quy định.
Ba là, có những lúc công ty cần hàng gấp, người lao động bị buộc phải làm thêm 1, hoặc 2 tiếng/ngày nhưng không được trả lương tăng thêm cho thời gian làm thêm này.
Tất cả những cách trả lương làm thêm nêu trên đều không đúng quy định của pháp luật.
Tiền lương làm thêm được quy định như thế nào?
Điều 97, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động làm thêm giờ được trả lương làm thêm: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương như trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Do đó, người lao động hãy hiểu biết để dòi quyền lợi chính đáng của mình.
Thư Viện Pháp Luật