Vi phạm hợp đồng kinh doanh thương mại
A. Quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng:
Căn cứ Điều 310, Luật Thương mại 2005: Đình chỉ thực hiện hợp đồng
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Nếu trong hợp đồng có các điều khoản về chấm dứt HĐ thì bạn căn cứ vào điều đó để chấm dứt. Nếu không, bên bạn phải chứng minh sự vi phạm về nghĩa vụ của bên kia.
Bên công ty bạn cũng có quyền yêu cầu buộc bên kia thực hiện đúng HĐ, tức là nhập lô hàng do Pháp sản xuất về.
B. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:
Căn cứ Điều 303, Luật Thương mại 2005: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Nếu bên bạn chứng minh được 3 điều kiện trên thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
C. Quyền yêu cầu phạt hợp đồng:
Căn cứ Điều 307, Luật Thương mại 2005: Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Hợp đồng giữa hai bên có điều khoản thỏa thuận về phạt vi phạm HĐ nên bên bạn có quyền yêu cầu phạt HĐ.
Thư Viện Pháp Luật