Giải quyết chế độ đối với người lao động khi doanh nghiệp giải thế

Công ty chúng tôi nằm trong khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP. HCM, 100% vốn Nhật Bản. Dự kiến ba tháng tới đây, công ty chúng tôi sẽ chính thức giải thể, chấm dứt hoạt động. Vậy khi dừng hoạt động, công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động được không? Nếu được thì người lao động sẽ được nhận trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc làm? Trường hợp luật không cho phép thì việc thực hiện tiếp hợp đồng đối với người lao động sẽ tiến hành như thế nào? Người lao động sẽ được hưởng các chế độ gì (BHXH, BHYT, BHTN) trong thời gian tạm dừng hoạt động? Vui lòng cho biết cơ sở pháp lý.


Căn cứ theo quy định tại Khoản 7, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2012 về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, khi người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì hợp đồng lao động giữa hai bên sẽ đương nhiên chấm dứt. Do vậy, trong trường hợp này, công ty bạn không phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà thuộc trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Và vì thế, hậu quả pháp lý sẽ khác so với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó, Khoản 4, Điều 47, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán. Điều luật này hoàn toàn không đề cập tới khoản trợ cấp mất việc làm.
Đối với những trường hợp được nhận trợ cấp mất việc làm, Khoản 1, Điều 49, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.
Điều 44, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; còn Điều 45, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định về trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
Do đó, chiếu theo các quy định viện dẫn nêu trên, người lao động không được hưởng trợ cấp mất việc làm trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản, mà họ được hưởng trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào