Lao động hợp đồng và việc nâng lương
Theo Khoản 1, Điều 90, Bộ luật Lao động năm 2012, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do đó, khi tái ký hợp đồng lao động, bạn hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan xem xét, điều chỉnh mức lương của mình. Tất nhiên, vì trên cơ sở thỏa thuận nên việc bạn đề nghị nâng lương phải được lãnh đạo cơ quan nơi bạn làm việc đồng ý. Cơ quan bạn hoàn toàn có quyền từ chối đề nghị của bạn và tất nhiên, bạn có quyền từ chối tái ký hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý, căn cứ theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 23-6-2015 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1- 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện, bảo đảm mức lương trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường, hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy, nếu tiền lương của bạn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì cơ quan nơi bạn làm việc buộc phải xem xét để nâng lương của bạn, không phụ thuộc vào việc bạn có đề nghị cơ quan xem xét, điều chỉnh mức lương của mình hay không.
Thư Viện Pháp Luật