Giải quyết trường hợp người lao động nghỉ việc khi phải đền bù thiệt hại vật chất
Căn cứ theo Điều 131, Bộ luật Lao động năm 2012, việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật Lao động năm 2012.
Như vậy, trước tiên, công ty bạn phải tổ chức họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thủ tục, trình tự do luật định để xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Khi đó, công ty bạn đã có thể xác định được mức bồi thường thiệt hại và có thể yêu cầu người lao động hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại đó. Tuy nhiên, công ty bạn cần lưu ý, người lao động chỉ phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động; hoặc làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
Căn cứ theo Điều 101, Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
Tuy nhiên, mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Nhưng vì người lao động đã nghỉ việc mà không có đơn xin nghỉ việc, nên công ty bạn cần phải xử lý trước khi sử dụng được những khoản tiền lương, tiền thưởng, tiền trách nhiệm chưa thanh toán của người lao động để bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, công ty bạn có thể sử dụng biện pháp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải do người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Sau khi xử lý kỷ luật lao động, theo quy định hiện hành, người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải được xem là một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Thư Viện Pháp Luật