Ðơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước
1. Căn cứ theo Khoản 3, Ðiều 37, Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Như vậy, trong trường hợp của bạn, vì đã giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên bạn không cần thiết phải đưa ra lý do gì để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ cần báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày là hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, do đã không báo trước với công ty nên bạn đã vi phạm quy định về thời hạn báo trước. Theo quy định tại Ðiều 41, Bộ luật Lao động năm 2012, trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37 của Bộ luật này là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Theo đó, nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật gồm có:
- Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Do vậy, việc công ty bạn yêu cầu bồi thường nửa tháng lương là phù hợp với quy định hiện hành. Nếu không bồi thường, công ty bạn có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Như đã phân tích ở trên, để thỏa mãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn đúng pháp luật, bạn phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước. Những hành vi của công ty như đã được bạn liệt kê, dù rằng vi phạm pháp luật lao động nhưng không thể là những chứng cứ pháp lý bảo vệ cho bạn tại tòa.
3. Chi phí của việc công ty khởi kiện bạn ra tòa trong trường hợp này phụ thuộc vào số tiền đòi bồi thường được nêu trong đơn khởi kiện.
Thư Viện Pháp Luật