Các trường hợp buộc thôi việc đúng pháp luật
Do bạn không nêu rõ thông tin về loại quyết định cho bạn nghỉ việc của công ty ban hành nên chúng tôi nhận định về hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Công ty ban hành quyết định sa thải vì lý do có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động. Căn cứ theo Khoản 1, Ðiều 126, Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Ðể ban hành được quyết định này, công ty bạn cần phải tuân thủ trình tự sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
Trường hợp 2: Công ty ban hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ theo Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 38, Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Ðể thực hiện quyền này, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Thư Viện Pháp Luật