Đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận

Hiện nay, công ty em đang soạn thảo lại mẫu hợp đồng lao đồng mới, trong hợp đồng mới này công ty em ghi “Mức lương chính: 5 triệu” và làm phụ lục hợp đồng ghi “Phụ cấp lương: 8 triệu”. Luật sư cho em hỏi, mỗi lần nâng lương thì làm thêm phụ lục hợp đồng được không, có giới hạn số lần làm phụ lục hợp đồng không (vì theo em tìm hiểu thì phụ lục hợp đồng chỉ được ký một lần nếu gia hạn thêm thời gian lao động)? Và theo Luật Bảo hiểm xã hội mới năm 2016 thì công ty em phải đóng BHXH dựa trên mức lương chính là 5 triệu hay là cả mức lương chính trong hợp đồng cộng phụ cấp lương trong phụ lục hợp đồng là 13 triệu?

Lương và phụ cấp lương là một trong những nội dung chính của hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 23, Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, Điều 35, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 cho phép các bên sửa đổi nội dung hợp đồng lao động bằng một phụ lục hợp đồng lao động.

Theo định nghĩa tại Điều 24, Bộ luật Lao động năm 2012, phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Việc giới hạn số lần ký phụ lục hợp đồng lao động, theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-1-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách. Như vậy, pháp luật chỉ giới hạn số lần ký phụ lục hợp đồng lao động khi một trong hai bên mong muốn thay đổi về thời hạn hợp đồng lao động bằng một phụ lục hợp đồng lao động; đối với việc hai bên mong muốn thay đổi, bổ sung mức lương và phụ cấp, pháp luật không giới hạn số lần ký phụ lục hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 30, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 29-12-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

1. Từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là: 

Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Phụ cấp lương này được giải thích chi tiết là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương được ghi tại mục 1 ở trên và các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào