Giải quyết việc chấm dựt hợp đồng lao động với người làm công việc nặng nhọc, độc hại

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được xem là cao tuổi, ngoài yếu tố về độ tuổi, thì phải bao gồm yếu tố đóng bảo hiểm xã hội đủ để hưởng chế độ hưu trí. Điều này bất hợp lý nếu là lao động ở ngành nghề nặng nhọc độc hại, đặc biệt nặng nhọc độc hại; doanh nghiệp mới ký kết hợp đồng lao động với người lao động sắp đến tuổi 60 (nam), 55 (nữ) thì không được chấm dứt hợp đồng lao động vì đó không được xem là lao động cao tuổi. Với thắc mắc này, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH trả lời là phải đúng, đủ các yếu tố trên thì mới được xem xét chấm dứt hợp đồng lao động nếu không thì đó là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vậy luật sư có thể tư vấn phương pháp phù hợp (quy định trong nội quy lao động, hợp đồng lao động,...) để có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đến 60 tuổi (nam), 55 (nữ) khi làm công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại đúng pháp luật lao động.

Trong những sự kiện mà bạn trình bày, cần phân biệt rõ hai chủ đề:

Chủ đề 1: Thế nào là người cao tuổi? Về vấn đề này, Bộ luật Lao động không phải là luật chuyên ngành, mà bạn cần tham khảo Luật Người cao tuổi năm 2009. Theo đó, Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Như vậy, cho dù là nữ giới, nhưng nếu chưa đủ 60 tuổi thì chưa được xem là người cao tuổi kể cả khi họ đã về hưu (55 tuổi).

Chủ đề 2: Về chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đến 60 tuổi (nam), 55 tuổi (nữ). Chúng tôi cho rằng, nếu bạn chỉ xem trong Bộ luật Lao động năm 2012 thì không thể trả lời được một cách rõ ràng. Bởi Khoản 1, Điều 166, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này. Khoản 1 và Khoản 2, Điều 187 quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại Khoản 1 điều này. Nhưng cho đến nay, Chính phủ chưa có quy định nào hướng dẫn Khoản 2, Điều 187, Bộ luật Lao động năm 2012.

Nhưng nếu xem trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, điều kiện hưởng lương hưu được quy định trong Khoản 1, Điều 54 như sau:

Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Nhưng quy định vừa trích dẫn chỉ áp dụng về điều kiện hưởng lương hưu, chứ không áp dụng để chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, dù đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động có thể đã nhận lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhưng hợp đồng lao động không đương nhiên chấm dứt, công ty cũng không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động, bởi Khoản 4, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hợp đồng lao động được chấm dứt trong trường hợp người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này. Đây là sự bất cập, không thống nhất trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào