Giải quyết chế độ đối với người nghỉ hưu trước tuổi vì mất sức lao động
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 55, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế ban hành.
Nếu người lao động nam tại công ty bạn thỏa mãn điều kiện nêu trên thì khi nghỉ việc được hưởng lương hưu. Điều này được xem là một căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 4, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2012.
Đối với trợ cấp thôi việc, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại Khoản 4, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Thư Viện Pháp Luật