Phải tuân thủ thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong một số trường hợp theo quy định tại Điều 37, Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, phụ thuộc vào từng trường hợp, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc hoặc ít nhất 30 ngày hoặc tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời gian tối thiểu phải báo cho người sử dụng lao động biết trước, không quy định thời gian tối đa. Do đó, trong đơn xin nghỉ việc, bạn đã ghi ngày 15-3-2016 bắt đầu nghỉ việc và đã được công ty đồng ý thì hai bên phải tuân thủ thời hạn đó. Nếu không tuân thủ thời hạn đó, nếu nghỉ sớm thì bạn có thể đã vi phạm pháp luật lao động và được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Và nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, căn cứ theo quy định tại Điều 43, Bộ luật Lao động năm 2012, bạn không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động, nếu có.
Trong trường hợp này, theo chúng tôi, bạn nên gặp giám đốc hoặc người có thẩm quyền, trình bày sự việc và đề nghị được nghỉ sớm hơn một vài ngày so với ngày ghi trong đơn; hoặc là trao đổi với công ty mới cho phép lùi ngày nhận việc muộn hơn vài ngày để hoàn tất thủ tục ở công ty cũ. Chúng tôi cho rằng bạn sẽ không quá khó khăn để có thể đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động.
Thư Viện Pháp Luật