Quy định “học nghề, tập nghề” để làm việc cho người sử dụng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 61, Bộ luật Lao động năm 2012 về học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí. Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ LĐ-TBXH quy định.
Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định.
Như vậy, Công ty Honda tuyển vợ của bạn vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình và ký kết hợp đồng đào tạo nghề, trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Việc ký kết hợp đồng lao động được thực hiện sau khi hoàn thành thời hạn học nghề, tập nghề.
Ngoài ra, vợ của bạn chỉ được xem là người học nghề, người tập nghề, chứ không phải là người lao động vì hai bên chưa ký kết hợp đồng lao động. Bộ luật Lao động năm 2012 định nghĩa: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Do chưa có hợp đồng lao động nên vợ của bạn không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng (đào tạo nghề) căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012 để không phải bồi thường chi phí đào tạo.
Thư Viện Pháp Luật