Giải quyết vướng mắc về soạn thảo hợp đồng lao động
Điều 23 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nội dung của hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động cần phải có một số nội dung chủ yếu, trong đó có quy định về việc người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc. Khoản 9, Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 23 của Bộ luật Lao động năm 2012, đòi hỏi hợp đồng lao động cần phải nêu cụ thể tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động cũng như phương thức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Theo quan điểm cá nhân, có lẽ nhà làm luật không có ý nói về “Thời gian đóng bảo hiểm xã hội” được định nghĩa tại Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như bạn đã trích dẫn, mà muốn nói về thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời điểm đóng bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động và người lao động tham gia vào quan hệ lao động theo hình thức hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là thời điểm “hằng tháng”. Cụ thể là, người lao động hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất căn cứ tại Khoản 1, Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất căn cứ tại Khoản 1, Điều 86, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tất nhiên, đây chỉ là lý giải theo quan điểm cá nhân của luật sư, không phải là giải thích pháp luật chính thống của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lưu ý là Bộ luật Lao động năm 2012 có quan điểm mở đối với vấn đề này. Hợp đồng lao động có thể ghi một cách chung chung là “Phương thức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và của người lao động: Theo quy định của pháp luật hiện hành”; hoặc có thể ghi một cách cụ thể theo nội dung của Điều 85 và Điều 86, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 13, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014; và Điều 44, Luật Việc làm năm 2013.
Thư Viện Pháp Luật