Quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Với quy định này, bất cứ loại hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên (riêng loại hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng áp dụng từ 1-1-2018), người lao động là công dân Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Như vậy, tồn tại hai loại hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 là hợp đồng lao động và hợp đồng thử việc. Nếu ký hợp đồng thử việc thì công ty bạn và bạn không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được chúng tôi trích dẫn ở trên. Còn nếu đã ký hợp đồng lao động, cho dù có ghi thời hạn thử việc trong nội dung của hợp đồng, thì hai bên vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động và người sử dụng lao động là các bên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ đóng theo luật định. Vì vậy, nếu bị truy thu thì hai bên chịu trách nhiệm đóng theo tỷ lệ luật định. Theo quan điểm cá nhân, việc lập hợp đồng từ phía công ty không đồng nghĩa với việc công ty làm sai bởi vì người lao động cũng phải có nghĩa vụ hiểu biết pháp luật, có trách nhiệm xem xét nội dung của hợp đồng lao động trước khi đặt bút ký.
Thư Viện Pháp Luật