Phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo khoản 1 điều 233 BLHS

Phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo khoản 1 Điều 233 được pháp luật quy định như thế nào?

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 233 thì người phạm tội bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

        Khoản 1 của điều luật tuy không quy định số lượng vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn như đối với các trường hợp phạm tội quy định tại các Điều 230, 232 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, chúng ta có thể vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7-1-1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) đã hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định số lượng vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ để quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính đối với người thực hiện hành vi đó.

            Ví dụ: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt từ 6 đến 15 dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Công an quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233. Nếu số lượng vật phạm pháp dưới mức này thì bị xử phạt hành chính và nếu đã bị xử phạt hình chính hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì dưới mức này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai năm tù.

            Do tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là hai năm tù, nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như xét xử đối với người phạm tội chủ yếu lấy giáo dục là chính, chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội dã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà còn tái phạm và số lượng vật phạm pháp đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 233.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào