Giải đáp về chế độ bảo hiểm
Hiện có các hình thức bảo hiểm như: Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm y tế bao gồm việc khám, chữa bệnh dưới sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm Y tế. Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm chế độ trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Theo Luật Việc làm 2013, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội
Theo quy định mới tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, người lao động nước ngoài nếu được cấp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định pháp luật.
Bảo hiểm y tế
Người lao động nước ngoài (kể cả người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương) làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên tại Việt Nam là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Người lao động nước ngoài đóng 1/3 và người sử dụng lao động đóng 2/3 theo mức đóng tối đa là 6% tiền lương tháng.
Tiền lương của người lao động nước ngoài làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế là mức tiền lương ghi trên hợp đồng lao động và phải được tính bằng Việt Nam đồng (nếu trong hợp đồng lao động ghi tiền lương là ngoại tệ). Tỷ giá ngoại tệ được quy đổi dựa trên tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN công bố tại thời điểm ngày 2/1 cho 6 tháng đầu năm và ngày 1/7 cho 6 tháng cuối năm.
Người sử dụng lao động sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng lúc vào quỹ bảo hiểm y tế hàng tháng, hoặc hàng quý hay 6 tháng 1 lần đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (sản xuất và chế biến muối). Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người lao động nước ngoài là 80% chi phí khám, chữa bệnh.
Thư Viện Pháp Luật