Giải đáp về cách tính thuế dành cho hộ kinh doanh
Ngày 11/5/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1784/TCT-CC về việc quản lý thuế hộ kinh doanh, theo đó hướng dẫn về cách tính thuế khoán trong trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng hoặc nghỉ hẳn như sau:
Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế khoán nghỉ hẳn kinh doanh: Tiền thuế khoán của hộ kinh doanh trong năm được xác định trước ngày 15/1 hàng năm và được ổn định cho cả năm tính thuế.
Do đó, đối với trường hợp hộ nộp thuế khoán nghỉ hẳn kinh doanh có thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và văn bản đề nghị miễn, giảm thuế gửi cơ quan thuế thì không được điều chỉnh tờ khai về bằng không mà cơ quan thuế phải giải quyết miễn, giảm thuế cho thời gian đã lập bộ tính thuế còn lại trong năm của hộ khoán (từ thời điểm xin nghỉ hẳn kinh doanh đến 31/12 của năm tính thuế).
Trường hợp hộ nộp thuế khoán nghỉ hẳn kinh doanh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì cơ quan thuế phải thực hiện thủ tục đóng mã số thuế, năm sau không lập bộ đối với hộ kinh doanh này.
Hộ nộp thuế khoán nghỉ hẳn kinh doanh đã được cơ quan thuế ban hành Quyết định miễn, giảm thuế phải được lập và theo dõi ở danh sách hộ kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh được miễn, giảm thuế và cơ quan thuế phải công khai mẫu này.
- Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế khoán tạm nghỉ kinh doanh: Hộ nộp thuế khoán xin tạm nghỉ kinh doanh có thời gian tạm nghỉ kéo dài qua hai năm (Ví dụ từ 9/2014 đến 2/2015) có thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và văn bản đề nghị miễn, giảm thuế của chủ hộ kinh doanh thì thực hiện:
Trường hợp đã lập bộ, tính thuế thì cơ quan thuế phải giải quyết miễn, giảm thuế cho thời gian tạm ngừng, nghỉ kinh doanh trong năm của hộ kinh doanh (từ 9/2014 đến 12/2014);
Kỳ lập bộ năm sau cơ quan thuế không phải thực hiện miễn, giảm thuế cho thời gian tạm nghỉ còn lại (tháng 1, 2/2015); hết thời hạn tạm nghỉ kinh doanh, hộ kinh doanh ra kinh doanh trở lại phải khai thuế (kỳ tính thuế từ tháng 3/2015 đến hết năm), cơ quan thuế lập bộ tính thuế từ tháng 3/2015.
Thư Viện Pháp Luật