Giải đáp về thanh lý tài sản thế chấp ngân hàng
Theo quy định tại Điều 355 và Ðiều 338 Bộ luật dân sự, việc thanh toán tiền bán tài sản cầm cố/thế chấp được thực hiện như sau: Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.
Theo quy định trên, số tiền phát mại tài sản thế chấp không đủ để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của bạn với ngân hàng nên ngân hàng yêu cầu bạn tiếp tục trả phần nợ còn thiếu là đúng. Bạn và ngân hàng có thể thỏa thuận việc tiếp tục trả nợ, phương thức trả nợ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc ngân hàng nói rằng sẽ phát mại căn nhà bạn đang ở là không có căn cứ vì: Việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi các bên có thỏa thuận thế chấp tài sản và khi xảy ra các trường hợp dẫn đến phải xử lý tài sản. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và ngân hàng chỉ có thỏa thuận thế chấp 1 thửa đất đã phát mại mà không thấy có thỏa thuận thế chấp ngôi nhà bạn đang ở.
Do đó, ngân hàng không có quyền xử lý tài sản đối với ngôi nhà này. Hơn nữa, ngôi nhà là của bố mẹ bạn nên nếu muốn bạn cũng không thể tự thỏa thuận với ngân hàng về việc sử dụng ngôi nhà đó để trả nợ cho ngân hàng. Việc sử dụng, định đoạt ngôi nhà đó phải do bố mẹ bạn là những chủ sở hữu ngôi nhà quyết định.
Thư Viện Pháp Luật