Các dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Văn phòng Luật sư nam Hà Nội - HSLAWS trả lời như sau:
Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau đây:
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Tuy là chủ thể đặc biệt nhưng khác với chủ thể đặc biệt của một số tội phạm về chức vụ, người phạm tội này có thể không phải là người có chức vụ, quyền hạn mà chỉ là người có trách nhiệm và trách nhiệm này do tính chất nghề nghiệp mà có như: thủ kho, lái xe, người áp tải,...Do đó, khi xác định chủ thể của tội phạm này cần chú ý đến nghề nghiệp và mối liên hệ giữa nghề nghiệp với trách nhiệm của họ khi thực hiện công việc được giao.
Là chủ thể đặc biệt nhưng người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật. Tuy nhiên, những người này chỉ có thể là người đồng phạm.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Các quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Nhà nước tương đối đa dạng, do nhiều cơ quan ban hành. Tuy nhiên, những quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện hành là Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996), Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995, Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí, vật liệu nổ hoặc công cụ hỗ trợ.
Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này cần chú ý: nếu là vật liệu nổ thì tương tự như đối với tội phạm quy định tại Điều 232, nếu là công cụ hỗ trợ thì tương tự như tội phạm quy định tại Điều 233, nhưng nếu là vũ khí thì bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996).
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về quản lý nhưng tùy thuộc vào đối tượng tác động mà người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau: vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí; vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vật liệu nổ; vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán công cụ hỗ trợ.
Hành vi vi phạm quy định về việc sản xuất, sửa chữa, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán của tội phạm này có nhiều điểm giống với hành vi chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Vì vậy, khi xác định hành vi khách quan của tội phạm này cần chú ý phân biệt với hành vi khách quan của các tội quy định tại các Điều 230, 232 và 233 Bộ luật hình sự. Nếu không được phép mà chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán thì thuộc trường hợp quy định tại các Điều 230, 232 và 233, còn nếu được phép nhưng lại vi phạm các quy định về sản xuất, vận chuyển, sử dụng, mua bán thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 234 Bộ luật hình sự.
Ví dụ: A là thủ kho vật liệu nổ của đơn vị Z175 do không thực hiện đúng các quy định về bảo quản an toàn nên gây nổ làm chết một người, thì hành vi vi phạm của A thuộc trường hợp quy định tại Điều 234, nhưng nếu A lợi dụng việc mình là thủ kho để cho người khác gửi vật liệu nổ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng về hành vi mua bán trái phép vật liệu nổ thì hành vi của A thuộc trườngh hợp quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự.
Khi xác định từng hành vi cụ thể của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước về việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì từng lĩnh vực, Nhà nước có những quy định rất khác nhau, các quy định này lại không tập trung ở một văn bản mà có thể ở nhiều văn bản khác nhau, theo từng thời điểm khác nhau, Nhà nước cũng thường sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
b) Hậu quả
Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vừa là dấu hiệu bắt buộc vừa không là dấu hiệu bắt buộc. Là dấu hiệu bắt buộc là trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật. Nếu chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm; nếu hậu quả xảy ra là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật. Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của Điều luật.
Khi xác định thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra cần chú ý:
Đối với thiệt hại về tính mạng thì tương đối rõ, chỉ cần có người bị chết do hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra là người có hành vi vi phạm đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về sức khỏe và tài sản thì không phải mọi trường hợp cứ gây ra thiệt hại cho sức khỏe, tài sản đều là hành vi phạm tội mà chỉ đối với trường hợp sau đây thì người có hành vi vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác
Được coi là thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác là do vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác.
- Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác
Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp do vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà gây thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị từ 50 triệu đến dưới 500 triệu đồng.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm cũng như đối tượng tác động của tội phạm này không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Hiện nay, các quy định này được quy định tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 12-8-1996), Nghị định 27/CP ngày 20-4-1995, Nghị định 02/CP ngày 5-1-1995 của Chính phủ.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Thư Viện Pháp Luật