Giải đáp về thủ tục tạm trú tạm vắng với người nước ngoài
Người lao động nước ngoài có thể cư trú tại Việt Nam theo một trong các hình thức như tạm trú hoặc thường trú tùy theo từng điều kiện cụ thể.
Khi làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Sau khi được cấp giấy phép lao động, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Thẻ tạm trú cấp cho người lao động nước ngoài có thời hạn tối đa là 2 năm.
Người lao động nước ngoài được cấp thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được doanh nghiệp của người lao động đồng ý.
Người lao động nước ngoài có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp thẻ thường trú nếu có cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh và đáp ứng các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam; đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 3 năm trở lên.
Người lao động nước ngoài được cấp thẻ thường trú được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam. Khi tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú, người lao động nước ngoài phải khai báo tạm trú theo quy định. Định kỳ 10 năm một lần, người lao động nước ngoài phải đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú để cấp đổi thẻ. Khi xuất cảnh đến thường trú ở nước khác, người lao động nước ngoài phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
Người lao động nước ngoài được cấp thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm.
Ngoài ra, cũng lưu ý người lao động nước ngoài khi tạm trú hoặc thường trú hợp pháp tại Việt Nam được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam; được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam; được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép. Trường hợp người lao động nước ngoài đi vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật