Giải đáp về thủ tục ủy quyền thế chấp
Vì tài sản quyền sử dụng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên đươc coi là tài sản chung của hai vợ chồng bạn (theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng…”. Thông thường, khi ký hợp đồng thế chấp mà tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng thì trong hợp đồng thế chấp phải có chữ ký của cả hai vợ chồng. Song pháp luật cho phép vợ, chồng được ủy quyền cho nhau để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật. Do vậy, bạn phải có văn bản ủy quyền từ vợ mình về việc đồng ý cho bạn là người đại diện ký tên trong hợp đồng thế chấp.
Việc ủy quyền được lập thành văn bản và bạn có thể công chứng văn bản ủy quyền theo trình tự thủ tục và hồ sơ quy định tại Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014. Trường hợp vợ chồng bạn không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng (do vợ bạn đang nghỉ sinh ở quê) thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014: “Bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.
Thư Viện Pháp Luật