Giải đáp về hợp đồng thế chấp để vay tiền
Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau: “Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.
Hiện nay, không có bất kỳ văn bản nào quy định về thời hạn có giá trị của hợp đồng, giao dịch được chứng thực. Do đó, sau thời điểm hợp đồng, giao dịch có hiệu lực (Ðiều 405 Bộ luật dân sự về hiệu lực của hợp đồng dân sự: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác), các bên sẽ có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Đối với từng loại hợp đồng cụ thể, các bên căn cứ vào quy định pháp luật liên quan để xác định thời hạn của loại hợp đồng đó.
Về thời hạn của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất nói riêng:
Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Ðiều 344 Bộ luật dân sự quy định về thời hạn thế chấp như sau: “Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp”.
Như vậy, bạn phải căn cứ vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đã ký giữa các bên để xác định thời hạn thế chấp theo thỏa thuận của các bên là như thế nào; nếu trong hợp đồng thế chấp không có thỏa thuận về thời hạn thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.
Thư Viện Pháp Luật