Xin hỏi luật sự về mức hình phạt về tội cướp giật

Kính chào luật sư.                                                                                Năm nay em 18 tuổi. Em có đã quen biết một anh và hai đứa em đã về sống chung với nhau và có một đứa con. Anh ấy vừa bị bắt về tội cướp giật tài sản. Em có một vài câu hỏi muốn được hỏi và mong rằng luật sư có thể giải đáp giúp em trong thời gian sớm nhất có thể.Nội dung sự việc như sau:      Chồng em sinh năm 1994. Hôm đó anh ấy cùng một người nữa sinh năm 1987 có giật của một em học sinh một cái cặp trong đó có: một điện thoại di động bán được 350 ngàn,100 ngàn tiền mặt,một cái máy tính học sinh và sách vở. Chồng em chưa từng có tiền án tiền sự. Đặc biệt là anh ấy nghiện ma túy và bên công an xã cũng đã có nhiều tội lập biên bản. Gia đình anh ấy thuộc diện nghèo,cấp nhà tình thương, không có học. Ba bệnh nặng,mẹ già yếu không làm ra tiền và có một đứa em trai chưa đủ vị thành niên. Em và anh ấy chưa làm giấy đăng kí kết hôn do chưa đủ tuổi. Vậy cho em hỏi. Nhưng tình tiết em nêu trên có giảm nhẹ tội không? Án tù cho người nghiện ma túy và cướp giật như vậy khoảng bao nhiêu? Và khi ra tòa liệu tòa có xử tội anh cộng về tội quan hệ với người chưa đủ thành niên hay không? Mong luật sư nhanh chóng hồi đáp dùm em. Em xin cảm ơn luật sư.

Theo thông tin bạn nêu thì "chồng" bạn sẽ bị xử lý về tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự.

Nếu chồng bạn còn sử dụng chất ma túy thì có thể còn bị bắt buộc cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung theo quy định của Luật phòng, chống ma túy.

Nếu bạn và chồng bạn quan hệ tình dục khi bạn chưa đủ 16 tuổi thì mới bị xử lý về tội giao cấu với trẻ em theo quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự.

Những tình tiết mà bạn nêu không phải là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự.

Bạn tham khảo các quy định pháp luật sau đây:

"Điều 136. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

 

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt."

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào