Đánh người cố ý gây thương tích

Xin luật sư giải đáp giúp cháu vấn đề này ạ. Bố cháu có mâu thuẫn nhỏ với anh P. Tối hôm đó, anh P có rủ theo 2 người em của mình cầm dao, tuýp vào nhà cháu dạo giết bố cháu. Do dược can ngăn nên không có chuyện gì xảy ra. Nhưng sáng hôm sau, kho bố cháu đi làm thì anh P cùng 2 người e của mình đã bất ngờ cầm gậy chặn đánh bố cháu liên tiếp ở đầu và tay. Bố cháu được đưa vào viện và được chẩn đoán là chấn thương sọ nào, có nguy cơ liệt nửa người nửa người. Nay cháu xin được hỏi, hành vi của anh P sẽ bị xử lý như thế nào và gia đình cháu lên làm gì? Cháu xin cảm ơn ạ.

Gia đình làm đơn tố cáo hành vi đánh người đến công an cấp xã và huyện, đồng thời đề nghị công an cho giám định tỷ lệ thương tật.

Trong quá trình điều trị, nhớ lưu lại những hóa đơn, phiếu thu và ghi chép những khỏan chi phí khác để sau này có căn cứ yêu cầu bồi thường.

Về người gây thương tích có thể sẽ bị xử lý hình sự tội giết người (điều 93 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích (điều 104 BLHS), tùy thuộc vào mục đích trước khi gây án: giết người hay gây thương tích.

"Điều 93.  Tội giết người 

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a)  Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng  hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g)  Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h)  Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i)  Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k)  Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết  người thuê;

n)  Có tính chất côn đồ;

o)  Có tổ chức;

p)  Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm."

"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào