Chấm dứt nuôi con nuôi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi thì một trong những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi là con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi. Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Nuôi con nuôi thì cha mẹ nuôi là một trong những người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Đối chiếu với quy định trên thì vợ chồng ông có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi của ông bà thường xuyên súc phạm ông bà và chơi bời phá tán tài sản của ông bà. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú (Theo khoản 5 Điều 28, điểm b khoản 2 Điều 33, điểm l khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
Hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi là:
- Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Toà án có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án quyết định giao cho cha, mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó.
- Trường hợp con nuôi được giao lại cho cha mẹ đẻ thì các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ đẻ được khôi phục.
- Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.
Vậy, ông có thể liên hệ với Tòa án nhân dân huyện An Dương để được hướng dẫn chi tiết.
Thư Viện Pháp Luật