Mất việc vì nghỉ sinh con?

Tôi làm việc ở một Công ty liên doanh theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tôi nghỉ sinh con theo chế độ, sau bốn tháng nghỉ sinh tôi quay trở lại làm việc thì được biết Công ty đã cho tôi nghỉ việc vì tôi nghỉ sinh con. Tôi muốn hỏi việc Công ty cho tôi nghỉ việc như vậy có đúng pháp luật không, nếu sai thì Công ty phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Theo quy định tại các điều 39 và 117 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Lao động nữ được bảo đảm chỗ làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được phép nghỉ thêm không hưởng lương. Như vậy, việc Công ty cho chị nghỉ việc vì lý do nghỉ sinh con là trái với quy định của pháp luật. Công ty còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do hành vi vi phạm này (Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới).
    Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc, cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Vì vậy, chị có quyền yêu cầu Công ty nhận chị trở lại làm việc và trả cho chị khoản tiền bồi thường trên.
    Nếu chị không muốn quay trở lại làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường nói trên, Công ty còn phải trả cho chị trợ cấp thôi việc , cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có).
    Trường hợp Công ty không muốn nhận chị trở lại làm việc và chị cũng không muốn quay lại làm việc thì ngoài tiền bồi thường và tiền trợ cấp thôi việc thì chị và Công ty thỏa thuận về khoản tiền bồi thường để chấm dứt hợp động lao động./.
 

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào