Gây ngộ độc thực phẩm vừa bị phạt vừa phải bồi thường
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều những tin tức hình ảnh về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử dụng các sản phẩm không bảo đảm vệ sinh, không rõ nguồn gốc đã gây ra những hậu quả không tốt đến sức khoẻ của mỗi người, nhiều trường hợp còn dẫn đến tử vong. Hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín dẫn đến ngộ độc thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (theo điển đ khoản 2 Điều 20 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ).
Trường hợp các cơ quan y tế xác nhận, ông đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng cháo của cửa hàng bán đồ ăn chín thì ông có quyền tố cáo hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tới Chủ tịch UBND phường nơi kinh doanh của cửa hàng đó để xem xét, xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
Pháp luật quy định chủ cửa hàng gây ngô độc còn phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại. Trước hết, hai bên có thể tự thoả thuận mức bồi thường thiệt hại, Nhà nước khuyến khích việc thỏa thuận này. Nếu không thể thoả thuận được thì ông có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đến Tòa án nơi cửa hàng đó có địa điểm kinh doanh để được xem xét giải quyết. Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử ấn định mức bồi thường thiệt hại hợp lý, hợp tình.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có).
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm../.
Thư Viện Pháp Luật