Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong trại giam
Quyền được khai sinh là quyền cơ bản của cá nhân được ghi nhận tại Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2005, do đó trẻ em sinh ra trong trại giam cũng có quyền được đăng ký khai sinh như những trẻ em khác. Tại Công văn số 4325/BTP-HTQTCT ngày 04/6/2013 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể việc đăng ký khai sinh cho trẻ em do nữ phạm nhân sinh ra. Theo đó, đối với phạm nhân mà có thân nhân ở gần thì Giám thị trại giam sẽ thông báo để thân nhân của phạm nhân đến trực tiếp làm thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh. Mục ghi về người đi đăng ký khai sinh trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi tên thân nhân của phạm nhân đó.
Đối với phạm nhân mà có thân nhân ở xa hoặc không có thân nhân thì Giám thị trại giam thông báo cho công chức Tư pháp hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi có trại giam) về việc trẻ em được sinh ra. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức đăng ký khai sinh lưu động ngay tại trụ sở của trại giam. Mục ghi về người đi đăng ký khai sinh trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi tên của người mẹ.
Để tránh sự mặc cảm và đảm bảo sự trưởng thành bình thường của những trẻ em này, về phần ghi nơi sinh (trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh): Nếu phạm nhân sinh con tại cơ sở y tế sẽ ghi tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi trẻ em sinh ra (ví dụ: bệnh viên tỉnh/huyện A; Trạm y tế xã B...).
Trường hợp phạm nhân sinh con tại bệnh xá của trại giam thì chỉ ghi địa danh hành chính (xã, huyện, tỉnh), mà không ghi tên trại giam (ví dụ: trẻ em sinh ra tại bệnh xá của Trại giam X, thì chỉ ghi nơi sinh là xã/huyện/tỉnh)./.
Thư Viện Pháp Luật