Cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối không?
Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, công tác thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị; là hình thức biểu hiện trực tiếp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm thì cán bộ tiếp công dân vẫn có quyền từ chối tiếp trong các trường hợp sau đây:
- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;
- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Đối chiếu Điều 7, Điều 33 Luật Khiếu nại thì trong thời hạn 30 ngày (đối với vùng sâu, vùng xa thì thời hạn là 45 ngày) kể từ ngày chị nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà chị không đồng ý, chị có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND thành phố hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Như vậy, khi chị đã được cán bộ tiếp công dân của huyện giải thích, hướng dẫn về quyền khiếu nại tiếp đến Chủ tịch UBND thành phố hoặc khởi kiện ra Tòa án mà chị vẫn đến phòng tiếp công dân của huyện để khiếu nại thì cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp chị theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân.
Thư Viện Pháp Luật