Phạt hành chính để ngăn chặn hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ!

Mỗi năm cứ đến mùa lễ hội tôi thấy ở trong khuôn viên các khu di tích, đình, chùa nhiều người dân đi lễ đặt tiền lẻ ở khắp nơi có chỗ vất cả tiền lẻ xuống giếng, ao…những hình ảnh rất phản cảm, làm mất đi sự tôn nghiêm của các khu di tích, tiếp tay cho những hành động này là dịch vụ đổi tiền lẻ phổ biến tại khu vực các di tích. Liệu có biện pháp gì để chấn chỉnh các hành động này không?


Việc đặt tiền hay công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa của người Việt Nam, khi đến với lễ hội khách thập phương thường dành một ly, một trinh, một xèng để đặt tiền “giọt dầu”, “nén nhang”. Tiền giọt dầu được đặt trên đĩa, khay nhỏ tại các di tích, lễ hội. Nhưng ngày nay người đi lễ hội ở các đền, chùa quá đông, việc đặt tiền giọt dầu bị biến tướng thành hành động “rải” tiền lẻ ở mọi nơi trong khuôn viên di tích, những hình ảnh phản cảm tiền rơi vãi, thậm chí mọi người vô ý giẫm lên đã làm xấu hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Để chấn chỉnh tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý và chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội.
      Hành vi đổi tiền lẻ với mục đích kiếm lời là vi phạm pháp luật, để ngăn chặn các hành vi này, đồng thời đảm bảo việc sử dụng đồng tiền Việt Nam theo đúng chức năng, tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, bắt đầu từ dịp Tết Ất Mùi năm 2015 những người hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ tại các khu di tích, đình, chùa rất có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 40.000.000 đồng../.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào