Hợp đồng lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình
Lao động là người giúp việc gia đình là một trong những lao động đặc thù quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản với người giúp việc gia đình khi sử dụng họ làm thường xuyên các công việc trong gia đình. Việc ký kết HĐLĐ đối với lao động là người giúp việc gia đình phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và trực tiếp ký kết.
Nội dung của HĐLĐ với người giúp việc trong gia đình bao gồm:
- Thông tin cá nhân của các bên ký HĐLĐ; công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của HĐLĐ; tiền lương; tiền thưởng (nếu có); thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
- Ăn và chỗ ở của người lao động (NLĐ): chi phí ăn, ở của NLĐ do NSDLĐ đài thọ hoặc NLĐ trả cho NSDLĐ (ghi rõ mức chi phí ăn, ở; kỳ hạn trả; hình thức trả);
- Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt HĐLĐ đúng thời hạn;
- Hỗ trợ học nghề, học văn hóa (nếu có);
- Trách nhiệm bồi thường của NLĐ khi làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của NSDLĐ;
- Những hành vi nghiêm cấm đối với các bên:
+ Hành vi nghiêm cấm đối với NSDLĐ và các thành viên trong hộ gia đình: Ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; phạt tiền, cắt lương NLĐ; giao việc cho NLĐ không theo HĐLĐ; giữ bản chính giấy tờ tùy thân của NLĐ; tiết lộ thông tin cá nhân ảnh hưởng xấu đến NLĐ; tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng cá nhân của NLĐ và các hành vi khác do hai bên thỏa thuận;
+ Hành vi nghiêm cấm đối với NLĐ: Trộm cắp; đánh bạc; cố ý gây thương tích cho thành viên trong hộ gia đình hoặc NLĐ khác làm cùng; sử dụng các chất gây nghiện; mại dâm; ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục các thành viên trong hộ và người nhà các thành viên trong hộ; tự ý đưa khách, bạn hè, người nhà vào nhà hoặc nghỉ lại nhà của NSDLĐ; tự ý lục soát, sử dụng đồ dùng của các thành viên trong hộ; tiết lộ thông tin cá nhân các thành viên trong hộ hoặc của hộ gia đình và các hành vi khác do hai bên thỏa thuận.
(Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 7 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH)
Thư Viện Pháp Luật