Ai là người thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nếu không xác định được người vi phạm?

Ở phường tôi mọi người hay đổ rác thải sinh hoạt ra kênh thoát nước của khu dân cư, lâu dần nguồn nước ở kênh này bị ô nhiễm, những hôm mưa to gây nên tắc nghẽn dòng chảy. Khi phường cử người xuống xử lý vi phạm vì đổ rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường thì không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Trường hợp này, ai là người thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường?


Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì người nào có hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc khắc phục lại tình trạng ban đầu.
       Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản…thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó (khoản 4 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
       Như vậy trường hợp ông nêu, do không xác định được đối tượng vi phạm hành chính là ai, cơ quan, tổ chức nào nên UBND phường sẽ tổ chức khắc phục hậu quả như: cử người vớt rác, xử lý làm sạch nguồn nước…
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Biện pháp khắc phục hậu quả

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào