Chiếm đoạt tài khoản facebook phao tin hiếp, giết nữ sinh, phạm tội gì?
Theo nội dung vụ án, chúng ta thấy có hai hành vi có dấu hiệu phạm tội của hai nghi can Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng là: hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook của anh Phạm Anh Tuấn và hành vi sử dụng tài khoản chiếm đoạt được để đưa một tin bịa đặt gây hoang mang dư luận. Lưu ý, hành vi đưa tin tức lên mạng, để tăng lượng người truy cập cho các website không bị cấm cho nên nếu các nghi can đưa tin chính xác sẽ không phạm tội. Nhưng nếu các nghi can đưa tin bịa đặt là có dấu hiệu phạm tội.
Ở hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook của anh Phạm Anh Tuấn, mặc dù hai nghi can không trực tiếp chiếm đoạt, nhưng theo điều 20 BLHS, những người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm, hai nghi can này có hành vi thường xuyên mua các tài khoản bị chiếm đoạt, mặc dù biết rõ các tài khoản này bị chiếm đoạt là hành vi xúi giục, giúp sức và phải được coi là đồng phạm với tội chiếm đoạt trái phép quyền quản trị, chiếm quyền điều khiển của chủ tài khoản. Hai nghi can này theo tuổi và hành vi hoàn toàn đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hai nghi can này có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 226a BLHS với mức phạt tới 7 năm tù.
Hành vi thứ hai là hành vi phao tin đồn nhảm về trật tự an ninh gây hoang mang dư luận làm mất trật tự công cộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, của nhiều tổ chức. Facebook hay những mạng xã hội tương tự khác không chỉ là một website mang tính cộng đồng xã hội mà còn là phương tiện truyền thông.
Theo quy định tại Khoản 4 điều 27 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 có quy định: “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Các nghi can đã tự bịa đặt các tin trọng án hiếp giết để đưa lên mạng internet là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP có quy định hành vi bị cấm: “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Việc tung tin đồn thất thiệt dù là trên môi trường mạng thông tin máy tính là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy nội dung đa dạng của các loại tin đồn, cùng với tính chất, ý chí chủ quan, mức độ, hậu quả khác nhau mà việc xử lý cụ thể cũng khác nhau.
Người tung tin đồn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm các quyền dân sự quy định tại Điều 25 và Điều 604 của Bộ luật Dân sự 2005, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính điều chỉnh, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Theo Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012 quy định tại Điều 8, Hướng dẫn thực hiện Điều 226 Bộ Luật hình sự thì: Người nào thực hiện các hành vi: Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Xem xét tất cả các hành vi của các nghi can Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng, so sánh với nội dung các điều luật, đã thấy hai nghi can có dấu hiệu vi phạm khoản 2 điều 226a BLHS với tội danh Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác, với mức hình phạt lên đến 7 năm tù. Do đây là loại tội sử dụng công nghệ cao, các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, quyền lợi của người khác cũng đã được tổng hợp trong điều 226a, nên các nghi can có thể chỉ bị truy tố theo điều luật này.
Thư Viện Pháp Luật