Nội dung kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy
Theo Điều 18 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:
1. Nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy gồm:
a) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
b) Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của từng đối tượng quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
c) Việc chấp hành các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định này, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật có liên quan và các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
2. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định sau đây:
a) Người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng, chủ hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.
c) Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; 6 tháng hoặc một năm đối với các đối tượng còn lại và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.
3. Bộ Công an quy định cụ thể về thủ tục kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Thư Viện Pháp Luật