Các dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ
Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Tương tự như đối với tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234 chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có trách nhiệm trong việc quản lý, sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội vi phạm quy định về quản lý sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ,
Tương tự như đối với tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, đối tượng tác động của tội phạm này cũng là chất phóng xạ.
Khi xác định đối tượng tác động có phải là chất phóng xạ hay không, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu giám định.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ
Hành vi vi phạm quy định về việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ tương tự với hành vi vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 234. Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hai tội này là đối tượng tác động. Tuy nhiên, hành vi của tội phạm này có nhiều điểm giống với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất phóng xạ quy định tại Điều 236.
Khi xác định từng hành vi cụ thể của tội phạm này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của Nhà nước về quản lý việc sản xuất, trang bị, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ,
b) Hậu quả
Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng không vì thế mà cho rằng tội phạm này là tội phạm có cấu thành hình thức. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội là rất quan trọng, vì nếu gây thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất thì tùy trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.
Khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 234, nhưng khác khoản 4 Điều 234 là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 237 là hậu quả nghiêm trọng chứ không phải là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Việc xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chấp phóng xạ sẽ gây ra nếu không được ngăn chặn kịp thời là một việc khó nhưng cũng như trường hợp đối với quy định tại khoản 4 Điều 234, căn cứ vào hành vi vi phạm trong trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể vẫn có thể xác định được. Ví dụ: Đỗ Xuân Đ không thực hiện đúng các quy định về quản lý việc bảo quản chất phóng xạ nên đã để chất phóng xạ rò rỉ nhưng được phát hiện kịp thời nên ngăn chặn được thiệt hại; nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của nhiều người.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Điều luật không quy định những dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, để xác định hành vi vi phạm cũng như đối tượng tác động của tội phạm này không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về việc quản lý chất phóng xạ.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ là do vô ý.
Thư Viện Pháp Luật