Bị tai nạn giao thông chết người phạt nhiêu năm tù và bồi thường như thế nào?

Xin chào quý Luật sư! Tôi xin trình bày một số vấn đề như sau, rất mong các bác giúp đỡ. Vào một chiều nọ mẹ tôi được một người bạn chở đi chơi, trên đường về nhà cách khoảng 3Km (đường đô thị) thì dừng xe ở sát bên lề phải của mình, người bạn thì đang ngồi trên xe còn mẹ tôi thì đã xuống xe và đứng cạnh xe (phía bên trái xe) quay mặt vào xe để lấy đồ thì hai thanh niên đi xe gắn máy (xe Cúp 50)  có chở thêm 1 cây mía (nghe nói thế) lao vào người mẹ tôi. Hậu quả là mẹ tôi phải đi cấp cứu vì bị chảy máu ở đầu và khâu mất 4 mũi, tay và bên hông phải bị nhiều vết bầm tím rồi phải đi cấp cứu nhưng phải chuyển bệnh lên tới bệnh viện Chợ Rẫy HCM và được xác định là bị Chấn thương sọ não và Phổi bị ứ máu, nhưng cũng không qua khỏi sau 4 ngày cấp cứu tận tình, còn người bạn kia thì bị Nứt xương chân bên trái, hai thanh niên kia một phải nằm viện vì bị thương ở mặt và chân, còn người kia thì không bị gì. Từ lúc mẹ tôi nằm viện cho tới khi chết thì bên bị can không hề có lời thăm hỏi hay động viên gì. Khi gia đình tôi và người đại diện địa phương tới thỏa thuận và cầu khẩn xin hỗ trợ tiền viện phí (lúc mẹ tôi chưa chết) thì gia đình bị can đó nói là "gia đình tôi cũng rất nghèo, giờ có bắn tôi tôi cũng chẳng có lấy 10 ngàn". Còn thanh niên kia thì nghe nói là mới đi tù về. Còn cái xe cusp 50 đó là do hai thanh niên mượn của người chủ khác nhưng xe đó cũng không có Bảo hiểm. Khi mẹ tôi chết và được khám nghiệm thì xác minh là do Máu tràn dịch phổi, phổi bị dập. Nói về hoàn cảnh của mẹ tôi thì do phải nuôi ba người con ăn học (chồng đã bỏ đi hơn 10 năm nay, không quan tâm gì đến con cái và đã li dị) nên cũng nợ nần nhiều gần 100 triệu, hiện tại 2 người đã có công việc ổn định (một Gái đã lập gia đình và ở riêng), một em út đang học đại học năm 2. Trong 100 triệu đó có 20 triệu nợ ngân hàng chính sách, 10 triệu nợ ngân hàng Kiên Long, còn lại là của người thân và bạn bè. Tôi muốn hỏi như sau: 1) Theo luật pháp Việt Nam sẽ sử phạt như thế nào với hai thanh niên kia? 2)  Tôi có phải làm đơn đề nghị tòa án giải quyết hay không? 3) Gia đình bị can nghèo như thế thì tiền đâu mà bồi thường theo luật định? 3) Số nợ ngân hàng của mẹ tôi hiện nay phải thanh toán như thế nào? (Ngân hàng Kiên Long thì trả góp hàng ngày, ngân hàng Chính sách thì nghe nói là vay tiền cho em út tôi đi học) 4) Chúng tôi có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng chính sách để cho em tôi đi học nữa được hay không? Rất mong quý Bác luật sư giúp đỡ. Tôi xin cám ơn!

1.TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ:

Theo thông tin bạn nêu thì người gây tai nạn cho mẹ bạn đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng (chết người) do vậy xẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 202 BLHS, nếu người gây tai nạn "mới đi tù về" thì có thể còn bị xử lý tăng nặng trách nhiệm hình sự do tái phạm.

2. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT:

Gia đình bạn có thể làm đơn trình báo toàn bộ sự việc với công an cấp huyện, nơi vụ tai nạn xảy ra (nếu vụ việc chưa bị khởi tố hình sự) hoặc có đơn trình bày, thúc giục công an giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật (nếu vụ việc đã được khởi tố);

3. TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ:

Người gây tai nạn cho mẹ bạn sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2005 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao, bao gồm các khoản sau: Chi phí cứu chữa cho mẹ bạn trước khi mất; Tiền phí mai táng theo phong tục địa phương; Tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu; Tiền trợ cấp cho em bạn ăn, học cho đến khi trưởng thành....

Nếu không chứng minh được việc chủ xe giao xe cho người gây tai nạn điều khiển thì chủ xe phải bồi thường cho gia đình bạn. Nếu không thỏa thuận được mức bồi thường thì tòa án sẽ giải quyết, thời hạn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại là 2 năm.

4. NGHĨA VỤ CỦA CÁC THỪA KẾ ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN NỢ DO NGƯỜI CHẾT ĐỂ LẠI

Điều 637 và Điều 683 BLDS năm 2005 quy định về trách nhiệm trả nợ đối với những khoản vay của người chết như sau:

"Ðiều 637. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế.

3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Ðiều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác.".

Như vậy, di sản của mẹ bạn để lại sẽ được thanh toán theo thứ tự nêu tại Điều 683 BLDS. Phần còn lại sẽ chia thừa kế. Nếu anh chị em bạn nhận di sản thừa kế thì phải có trách nhiệm thay mẹ bạn trả nợ trong phạm vi tài sản mà bạn được nhận. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào