Thực hiện BHXH trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như thế nào?
Vấn đề bạn đọc hỏi được nêu cụ thể tại Chương IV Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, CAND và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
Theo đó, cơ quan BHXH trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo Khoản 2 Điều 93 Luật BHXH, được quy định như sau:
1. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ đang công tác trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (bao gồm cả NLĐ theo quy định tại Nghị định số 115 ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc), BHYT đối với thân nhân của quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu; quản lý phần quỹ BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp được sử dụng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an.
3. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của BHXH Việt Nam theo quy định.
Điều 20 Nghị định 33/2016 quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện BHXH theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật BHXH, với những nội dung cơ bản như sau:
1. Xây dựng kế hoạch công tác BHXH dài hạn, trung hạn và hằng năm trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Hằng năm, lập kế hoạch thu, chi BHXH và quyết toán thu, chi BHXH với các đơn vị trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và BHXH Việt Nam.
3. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
4. Trực tiếp thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định đối với NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, DN, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nộp về BHXH Việt Nam; tổ chức quản lý phần quỹ BHXH sử dụng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH cho NLĐ khi đang làm việc và trước khi nghỉ việc hay chuyển ngành.
5. Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho NLĐ làm việc trong các cơ quan, đơn vị, DN, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xác nhận và bảo lưu thời gian đóng BHXH khi họ nghỉ việc mà không hưởng trợ cấp BHXH một lần.Cấp thẻ BHYT cho thân nhân quân nhân, CNVC quốc phòng đang công tác trong Quân đội.
6. Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ BHXH, BHYT; giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, DN, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; giới thiệu về BHXH các tỉnh, thành phố để hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng hoặc thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
7. Ứng dụng CNTT trong quản lý các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; lưu trữ hồ sơ của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
9. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về BHXH trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các cá nhân và cơ quan, đơn vị, DN, đơn vị sự nghiệp công lập trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
10. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ, người SDLĐ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
11. Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật