Các trường hợp phạm tội cụ thể của tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc

Các trường hợp phạm tội cụ thể của Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc được pháp luật quy định như thế nào?

Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc có các trường hợp phạm tội cơ bản  sau đây:

1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 239

            Theo quy định tại khoản 1 Điều 239 thì người phạm tội bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới một năm tù; nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.

 

            2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 239

            Khoản 2 Điều 239 quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây hậu quả rất nghiêm trọng.

            Do chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để  xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc gây ra.

            Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không  được dưới một năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười năm tù.

            3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 239

            Khoản 3 Điều 239 quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

            Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 của điều luật, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để  xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc gây ra.

            Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng nhưng mức độ nghiêm trọng cao hơn so với khoản 2 của điều luật.

            Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới ba năm tù; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.

4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

            Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề  hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào