Cần giải đáp khúc mắc về cấp gcn quyền sử dụng đất liên quan đến tiền đặt cọc

Xin chào luật sư! Mình có vấn đề rất cần sự trợ giúp của các luật sư, chuyên gia tư vấn pháp luật. Vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể tình huống như sau: Anh mình Nguyễn Văn An, là người đứng tên chủ sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất có diện tích 2500 m2 ở thành phố Hạ Long, Quảng Linh. Năm 2010 anh chuyển nhượng khu đất này cho ông Trần Hạnh với giá 3 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất đã được 2 bên ký kết và được phòng công chứng số 1 thành phố Hạ Long chứng thực. Tuy nhiên trên thực tế, ông Hạnh mới chỉ giao cho anh mình 1.5 tỷ đồng và nói với anh An là "mình chưa chắc chắn mua khu đất này". Vì vậy anh An đã tìm ông Lê Hải Công để thảo luận về việc bán khu đất này. Hai bên đã ký giấy tờ đặt cọc; theo đó ông Công đã chuyển giao 200 triệu cho anh An. tháng 1/2011 ông Hạnh tìm gặp anh mình để bàn về việc tiếp tục thực hiện việc nhận chuyển nhượng khu đất này với điều kiện anh An phải làm xong thủ tục cấp GCN QSDĐ thì ông Hạnh mới giao nốt số tiền còn lại. Khi đến UBND thành phố Hạ Long làm thủ tục xin cấp GCN QSDĐ, anh An bị từ chối với lý do ông Công làm đơn đề nghị UBND thành phố Hạ Long không cấp GCN vì ông Công đã cọc tiền mua khu đất này. Cho mình hỏi là: việc thực hiện giấy tờ đặt cọc giữa anh mình và ông Công có hiệu lực hay không trong khi trước đó anh An đã làm thủ tục chuyển nhượng đất cho ông Hạnh rồi? Ông Công làm đơn đề nghị UBND thành phố Hạ Long không cấp GCNQSDD vì ông Công đã đặt đặt tiền mua là đúng hay sai? Ông Công có quyền đề nghị UBND TP ko đc cấp giấy chứng nhận QSDD cho anh mình hay ko? Nếu anh mình không thực hiện đúng như trong giấy tờ đặt cọc (mua bán đất) với ông Công thì có bị sao không? Hậu quả sẽ như thế nào và xử lý ra sao? Câu nói "mình chưa chắc chắn mua khu đất này" của ông Hạnh có ý ngĩa gì ko về mặt pháp lý? Việc ông Hạnh mới chỉ giao một nửa số tiền là đúng hay sai? Anh mình cần làm gì để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vẫn nhận được nốt số tiền mua bán đất với ông Hạnh? Anh mình cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Cám ơn chuyên gia tư vấn

1. Nếu thửa đất đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho một người, hợp đồng có công chứng mà lại tiếp tục mang thửa đất đó đặt cọc bán cho người thứ hai (trong khi chưa giải quyết dứt điểm hợp đồng chuyển nhượng trước) thì người chủ sử dụng đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Nếu hợp đồng giữa anh bạn với ông Hạnh ký kết trước này 01/01/2008 thì mới có thể hợp pháp. Nếu hợp đồng ký sau thời điểm trên (đất chưa có GCN QSD đất mà đã công chứng hợp đồng ) thì hợp đồng đó vô hiệu.

3. Sau khi ký hợp đồng, ông Hạnh chỉ nói miệng rằng "chưa chắc đã mua thửa đất đó" của anh bạn nhưng giữa hai bên không có văn bản thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng đã ký kết... thì lời nói đó không có giá trị pháp lý, việc giao dịch vẫn phải tuân thủ nội dụng thỏa thuận tại Hợp đồng.

4. Việc thanh toán tiền chuyển nhượng giữa anh bạn và ông Hạnh do hai bên thỏa thuận, có thể được quy định cụ thể tại Hợp đồng chuyển nhượng hoặc thỏa thuận riêng. Nếu không có thỏa thuận cụ thể thì ông Hạnh có nghĩa vụ trả tiền cho anh bạn từ thời điểm công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Nếu ông Hạnh không trả tiền đúng thời hạn thì anh bạn có quyền yêu cầu tòa án buộc ông Hạnh phải trả tiền hoặc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng hoặc anh bạn ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Hạnh và phòng Công chứng, sau đó mới tham gia giao dịch khác với ông Công.

5. Ông công đã giao tiền cho anh bạn nên ông Công có thể báo công an để xem xét hành vi một tài sản bán cho hai người của anh bạn hoặc có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

6. Một trong những điều kiện cấp GCN QSD đất là đất không có tranh chấp. Do vậy, anh bạn chỉ được cấp GCN QSD đất khi thửa đất đó giải quyết xong tranh chấp giữa các Bên. Trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì thửa đất đó chưa được cấp GCN QSD đất;

7. Một trong các bên có thể yêu cầu UBND xã hòa giải, nếu không hòa giải được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cóc và hợp đồng chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Tại thời điểm ký hợp đồng đặt cọc thì Hợp đồng chuyển nhượng đang có hiệu lực pháp luật nên nhiều khả năng Tòa án sẽ bắt buộc các bên phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng giữa anh bạn với ông Hạnh, còn Hợp đồng đặt cọc viết tay với ông Công sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu và giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 137 BLDS năm 2005.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào