Công dân có quyền tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật nào
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo, công dân có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, trên tinh thần mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, người dân có quyền tố cáo bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào.
Tuy nhiên, chúng ta phải phân định hành vi vi phạm pháp luật để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết; phân định giữa tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ với hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong việc vi phạm quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Luật Tố cáo:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực./.
Thư Viện Pháp Luật