Bị cho nghỉ việc vì vi phạm nội quy, làm thiệt hại tài sản cty
Công ty của bạn chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong các trường hợp: (a) người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; (b) NLĐ bị kỷ luật sa thải; (c) NLĐ ốm đau đã điều trị 12 tháng liền (đối với HĐLĐ không thời hạn) hoặc đã điều trị sáu tháng liền (HĐLĐ có thời hạn); (d) trường hợp bất khả kháng; (e) công ty chấm dứt hoạt động.
Theo quy định tại Điều 12 - Nghị định số44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động thì:
“Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.
Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động”.
Như vậy, nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với bạn vì lý do người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ thì Công ty nơi bạn làm việc phải chứng minh được rằng bạn không hoàn thành nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bạn đã bị lập biên bản về việc này hoặc đã được nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng mà sau đó vẫn không khắc phục. Ngoài ra, mức độ không hoàn thành công việc của bạn còn phải được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Bạn có thể kiện công ty ra tòa án nơi đặt trụ sở công ty về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trường hợp tòa án tuyên công ty đã chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì công ty phải nhận NLĐ trở lại làm việc, và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp trong những ngày không được làm việc, cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp. Nếu NLĐ không muốn trở lại làm việc, ngoài tiền bồi thường trên còn được trợ cấp thôi việc. Nếu công ty không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc, hai bên thỏa thuận bồi thường thêm để chấm dứt HĐLĐ.
Thư Viện Pháp Luật