Trốn ra nước ngoài 34 năm, không biết mình bị truy nã có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Theo đúng nội dung vụ án, không cần tranh cãi, chúng ta có thể thấy rõ, trước đây 34 năm, nghi can Bùi Văn Tánh đã phạm tội cướp tài sản và tội xuất nhập cảnh trái phép, nói theo nghĩa thông thường, đó là tội trốn ra nước ngoài. Vấn đề cần làm rõ là sau 34 năm, pháp luật có xử lý nghi can Bùi Văn Tánh về những hành vi phạm tội của nghi can nữa không? Nếu nghi can là công dân nước ngoài, tòa án Việt Nam có quyền xử phạt không? Và cụ thể hơn, nghi can Bùi Văn Tánh sẽ bị xử lý như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với một ý kiến của bạn đọc về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Bộ Luật Hình sự là 20 năm. Nếu ở trường hợp bình thường, sau 20 năm phạm tội, nếu cơ quan pháp luật không có biện pháp xử lý, nghi can phạm tội sẽ không bị truy tố trước pháp luật, nói cho đúng, là nghi can sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên ở vụ án này, có một chi tiết đã được phản ảnh trong nội dung vụ án, là 9 năm sau khi nghi can phạm tội, ngày 24-7-1990, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án và ra Quyết định truy nã đối với nghi can Bùi Văn Tánh. Việc khởi tố và ra quyết định truy nã, mặc dù sau khi nghi can phạm tội đến 9 năm, của cơ quan điều tra là đúng luật vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội danh cướp tài sản là 20 năm.
Xin nhớ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là căn cứ vào tội danh mà người phạm tội bị khởi tố, Bùi Văn Tánh bị khởi tố với tội danh cướp tài sản có mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm, 9 năm sau nghi can mới bị khởi tố, truy nã vẫn phù hợp với các quy định pháp luật.
Sau khi bị khởi tố và ra quyết định truy nã, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của nghi can Bùi Văn Tánh đã có sự thay đổi. Theo khoản 3 điều 23 BLHS, quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy, với quyết định truy nã, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nghi can Bùi Văn Tánh còn nguyên và việc bắt giữ nghi can Bùi Văn Tánh là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật. Nghi can Tánh có thể bị truy tố trước Tòa án với hai tội danh theo Điều 133 Bộ Luật Hình sự, Tội cướp tài sản, Điều 275 Bộ Luật Hình sự, Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Xin lưu ý một điều nữa, chúng ta đang bàn ở đây đều áp dụng theo các quy định pháp luật về hình sự hiện hành mặc dù vụ án xảy ra từ trước khi Bộ Luật Hình sự cũng như bộ Luật Tố tụng hình sự hiện nay có hiệu lực, tuy nhiên, các quy định pháp luật về xét xử các tội phạm liên quan đến tội danh cướp tài sản và đặc biệt liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hầu như không thay đổi về nội dung, chỉ thay đổi về cách sắp xếp điều khoản trong văn bản luật.
Vì vậy, dù có đối chiếu với các văn bản hướng dẫn của TANDTC hay Bộ Luật Hình sự năm 1985, bộ Luật Hình sự năm 1999 hay bộ Luật Hình sự hiện hành, các kết luận đối với vụ án Bùi Văn Tánh không thay đổi. Việc nghi can Tánh biết hay không biết về quyết định truy nã của mình không ảnh hưởng đến trình tự cũng như mức độ hình phạt. Việc bỏ trốn sau khi phạm tội là một tình tiết tăng nặng, nhưng việc tự thú, trình diện trước cơ quan điều tra lại là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Việc nghi can Bùi Văn Tánh có quốc tịch Mỹ có ảnh hưởng đến việc xét xử các tội mà Bùi Văn Tánh phạm phải ở Việt Nam hay không, tại Điều 5 của Bộ luật Hình sự quy định: Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 2 Điều 6 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.
Như vậy, nghi can Bùi Văn Tánh mặc dù có quốc tịch là người nước ngoài nhưng phạm tội tại Việt Nam và vẫn bị Tòa án của Việt nam xét xử và trừng phạt như mọi công dân Việt Nam. Vấn đề cần trao đổi cuối cùng là nghi can Tánh có thể bị xử lý như thế nào? Cũng cần xem xét, hành vi cướp phương tiện để trốn đi nước ngoài mặc dù là hành vi phạm tội, nhưng xét về mặt xã hội, đó cũng là hậu quả của chiến tranh, hậu quả của các biện pháp cấm vận của các nước phương tây đối với Việt Nam những năm 1975-1990.
Hành vi của nghi can mặc dù nghiêm trọng nhưng không xảy ra tổn hại về sức khỏe cũng như tính mạng người khác. Nghi can Tánh sau khi biết mình có quyết định truy nã đã tự thú… Đó là tình tiết giảm nhẹ. Thêm nữa, nghi can Tánh tuổi đã cao, gia đình lại ở nước ngoài, điều kiện riêng khó khăn, hành vi phạm tội xảy ra đã lâu, việc xử phạt nghi can Bùi Văn Tánh có giá trị trừng phạt không lớn, giá trị răn đe nhỏ.
Với tất cả những lý do đó, nếu nghi can Bùi Văn Tánh giải quyết xong trách nhiệm dân sự đối với tài sản cướp đoạt trái phép là chiếc thuyền, chắc chắn mức hình phạt sẽ giảm nhẹ.
Thư Viện Pháp Luật