Giao cấu với trẻ em chưa đủ 16 tuổi phạm tội gì?
Theo đúng nội dung vụ án đã được thông tin, chúng ta nhận thấy có một hành vi có dấu hiệu phạm tội của nghi can đã được phát hiện và đang được các cơ quan chức năng điều tra. Đó là hành giao cấu với nạn nhân Đ.T.T (sinh năm 2000) chưa đủ 16 tuổi. Hành vi này có thể đã phạm tội theo 2 tội danh: Giao cấu với trẻ em hoặc Hiếp dâm trẻ em. Chúng ta cần phân tích để xác định đúng tội danh.
Theo điều 111 Bộ luật Hình sự, hành vi hiếp dâm là hành vi: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Trong vụ án này, theo nội dung vụ án thể hiện, nghi can không dùng vũ lực để bắt nạn nhân giao cấu với mình. Tuy nhiên, cần lưu ý, trong điều luật này có quy định: Lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân để giao cấu cũng phạm tội hiếp dâm.
Trong trường hợp này, cô bé Đ.T.T. có dấu hiệu của sự chậm phát triển, “không thông minh cho lắm”. Vì vậy, cần phải trưng cầu giám định tâm thần nạn nhân Đ.T.T. Nếu nạn nhân Đ.T.T có bị mắc bệnh chậm phát triển tâm thần thì tùy mức độ, cơ quan giám định có thể xác định Đ.T.T. có làm chủ được các hành vi hay không? Nếu mức độ bệnh tâm thần của nạn nhân T. nặng, không có khả năng làm chủ hành vi và mất khả năng tự vệ thì nghi can sẽ bị truy tố theo Điều 112. Bộ luật Hình sự, Tội hiếp dâm trẻ em: Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Nếu ở mức độ bệnh nhẹ, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của T. bị hạn chế; T. dễ bị dụ dỗ, lợi dụng thì không thể coi nạn nhân T. không có khả năng tự vệ và nghi can Hồ Văn H. không phạm tội hiếp dâm trẻ em mà phạm tội theo. Điều 115. Bộ luật Hình sự, Tội giao cấu với trẻ em: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Còn một vấn đề cần trao đổi là pháp luật sẽ ứng xử với người già phạm tội như thế nào? Theo quy định pháp luật, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và vì vậy, người già phạm tội vẫn bị truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, với tính nhân đạo của pháp luật nước ta, trong ứng xử với người già phạm tội, pháp luật hình sự có một số quy định có tính nhân đạo.
Về biện pháp tạm giam điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu,người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã, bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử”. Điều 4 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP cũng có hướng dẫn cụ thể: a, “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, nghi can Hồ Văn H. có nơi cư trú rõ ràng và đã trên 70 tuổi, thuộc diện điều chỉnh của điều 88 BLTTHS, do vậy, nghi can sẽ không bị tạm giam trong thời gian điều tra. Đây cũng là cơ hội để nghi can và gia đình nghi can hối lỗi, có trách nhiệm đền bù thiệt hại để được hưởng những tình tiết giảm nhẹ khác. Nói như vậy, vì nếu nghi can bị đưa ra xét xử trước tòa án, thì theo quy định pháp luật hiện nay, già yếu là một tình tiết giảm nhẹ.
Khoản 1.M điều 46 Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội là người già là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngay khi đã bị tuyên phạm tội và định hình phạt, người già cũng được hưởng nhiều biện pháp đối xử nhân đạo. Về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt Điều 59 BLHS quy định: “Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định”.
Dĩ nhiên, mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật, mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội. Như vậy, nghi can Hồ Văn H. mặc dù đã có dấu hiệu phạm tội, nhưng vẫn được hưởng nhiều quy định nhân đạo, thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước ta hiện nay.
Thư Viện Pháp Luật