Đánh người gây thương tích 27%

Kính mong luật sư tư vấn dùm em! Nhà em có người nhà bị đánh tỉ lệ thương tật 27%! Tòa sơ thẩm tuyên người gây thương tích 9 tháng tù (theo em đựợc biết nếu theo luật là phải 24 tháng) và bồi thường thiệt hại 37tr nhưng bị cáo kháng án qua tòa phúc thẩm lại xử 9 tháng tù treo và bồi thường thiệt hại 1tr300 ngàn đồng (vụ đến khi phúc thẩm đã hơn một năm)! Vậy luật sư cho em hỏi : 1. Tòa phúc thẩm nói là bị cáo có khắc phục hậu quả nhưng gia đình em chưa nhận đựoc một đồng nào và cũng chẳng có ai đến hỏi thăm sức khỏe khi còn năm tại bệnh viện và cho đến khi phiên tòa xét xử cuối cùng, tòa nói bị cáo đã khắc phục 7 triệu đồng số tiền đó tòa đang giữ? 2. Nhà em muốn kháng án thì giờ phải kháng án ở đâu? Và giờ nhà em muốn cần luật sư bào chửa thì có được không? 3. Giờ nhà em muốn làm đơn khiếu nại hội đồng xử án cấp sơ thẩm vì xét xử không công bằng thì phải làm như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn luật sư!

         1. Vụ việc của gia đình bạn đã kết thúc bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nên các đương sự không còn quyền kháng cáo. Tuy nhiên, các đương sự vẫn có thể khiếu nại đến Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng VKSND tối cao để được xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc thủ tục Tái thẩm theo quy định tại Chương XVIII  BLTTDS.

         2. Bạn có thể yêu cầu luật sư soạn thảo đơn thư, tư vấn pháp luật và xác minh thu thập chứng cứ trong vụ việc trên để có căn cứ khiếu nại.

         3. Đối với việc bồi thường, khắc phục hậu quả thì bạn có thể xem xét quy định tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, cụ thể như sau:

"Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS

1.1. Cũng được áp dụng tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

b) Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;

c) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

d) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

đ) Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

1.2. Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm đ và e tiểu mục 1.1 mục 1 này mà bị cáo không có việc tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS.".

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào