Các dấu hiệu tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được biểu hiện qua những dấu hiệu nào?

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
 
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
 
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
 
 
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
 
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người chết và thông qua đó đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
 
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
 
a) Hành vi khách quan
 
Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:
 
Đào, phá mồ mả là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mả không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ và mục đích khác nhau như: để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; để trả thù thân nhân người quá cố; đề che dấu hành vi phạm tội...Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài họa tiết trang trí trên mộ...
 
Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ: Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để trong mộ, trên mộ như: lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) để chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, đi ảnh,...).
 
Các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt: Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Hành vi khác nói ở đây là bất cứ hành vi nào mà xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt như: đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt,...
 
b) Hậu quả
 
Hậu quả của hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng bị coi là hành vi phạm tội mà chỉ những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến thi thể, mồ mả, hài cốt mới bị coi là hành vi phạm tội.
 
c) Các dấu hiệu khách quan khác
 
Đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cần chú ý đến phong tục, tập quán, truyền thống của từng địa phương, từng dân tộc để xác định hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt đã nghiêm trọng tới mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, vì trong lĩnh vực này là vấn đề nhạy cảm. Không phải truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi xâm phạm mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm mà việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải căn cứ vào phong tục, tập quán, đời sống tâm linh của những người thân của người quá cố.
 
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
 
Người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là do cố ý

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào