Thưa Qúy Ban Luật Sư! Tôi xin phép thuật lại chuyện như sau: - Khoảng 22h30p ngày 12/06/2012 em trai tôi chở 1 người nữa đến đón người bạn về nhà. Khi cả 3 qua đến Thanh Đa (phường 27) thì có va quẹt nhẹ vào 1 xe khác, ông bà đó không bị té xe hay gì cả!. Sau đó, tưởng không có gì xảy ra nên em tôi chạy vào 1 hẻm để đưa người bạn đó về (xe chở 3). Ít phút sau thì xe của cặp vợ chồng kia áp sát và chặn lại đồng thời kêu công an đến. 2 phút sau công an Quận đến. Và áp giải em tôi về phường 28 (vì ông bà này ở phường 28 và quen với công an ở đây). Sau đó em tôi bị tra tấn và vì không chịu nỗi đã phải ký vào nhận tội cướp có tổ chức cùng với 1 người ngồi kế bên, còn người ngồi thứ 3 (nhờ chở về) thì được thả tự do và từ đó đến giờ công an cũng chẳng đến lấy lời khai người này. Ở đó, bên ông bà kia khai là trong giỏ xách họ có 1 sợ dây chuyền, nhẫn lắc, tiền mặt...tổng trị giá là 7 triệu. Nhưng khi lấy cung thì công an phường 28 không xét giỏ xách mà chỉ nghe họ nói, (vì ông này đã làm > 30 năm trong quân đội và giờ đang làm giám đốc công ty gì đó). Rạng sáng 3h ngày 13/06/2012 thì chuyển lên công an phường 27. Ở đây, em tôi bị tạm giữ và chuyển lên Công An Quận Bình Thạnh lúc 14h cùng ngày. Ở Quận đến ngày 25/06/2012 thì có lệnh chuyển xuống phòng tạm giam, theo lệnh tạm giam Điều 136 khoản (nhưng công an thụ lý nói là 3,5 năm đến 10 năm). Lên hỏi thì công an nói là có hành vi nguy hiểm và nói giấy bãi nại không quan trọng nữa nên khỏi xin xỏ mắc công. (Khi biết em tôi bị ép tội như vậy thì tôi có đến nhà ông bà kia thì họ nói, "trong bóp không có 1 xu nào" và nói "Mày đụng đến vợ tao là mày xui rồi" và họ hứa sẽ viết giấy bãi nại cho giảm án. Tôi qua tiếp công an Phường thì họ nói đưa 8 triệu rồi sẽ dẫn 2 ông bà kia lên Quận làm giấy bãi nại giúp cho, còn không thì không có bãi nại gì hết) Trong thời gian ngày 14/06/2012 đến ngày 25/02/2012 thì tôi có vào công an Quận thì thấy căn tin ghi 1 sớ do em tôi mua mua đồ: xúc xích, chả lụa, khô bò, phô mai.... trị giá trên dưới 1 triệu. Mà những thứ này thật sự em tôi từ nhỏ đến lớn không ăn bao giờ. Xin hỏi Qúy Ban Luật Sư có thể có cách nào giúp em tôi không phải bị oan tội hay không. Vì vợ em tôi sắp sinh nở, gia đình nghèo quá, Cha chạy xe ôm, Mẹ bán nước mía vỉa hè bị bệnh khớp...hoàn cảnh không khá giả lắm.
Hiện vụ án đang được điều tra nên chưa thể kết luận em bạn có phạm tội hay không. Bạn không phải là người chứng kiến sự việc nên việc bạn kể cũng rất khó thuyết phục em bạn bị đánh đập, nhục hình để khai báo có thực hiện hành vi cướp giật. Tuy nhiên có khả năng em bạn bị khởi tố về tội cướp giật tài sản theo quy định Điều 136 BLHS. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Theo quy định của bộ luật TTHS 2003 thì bị can, bị cáo, người bị tạm giữ có quyền mời Luật sư. Vì thế để bào chữa cho em trai bạn, tránh bị ép cung, dùng nhục hình hoặc bị khai không có lợi do hiểu biết pháp luật hạn chế thì gia đình nên mời luật sư.