Giết người vì bị đánh, có phải là phòng vệ chính đáng?

Đỗ Trung Kiên (SN 1986) rủ bạn gái là Trần Thùy Trang (SN 1989) đi uống nước. Kiên điều khiển xe máy của mình chở Trang ngồi sau. Trên đường đi Kiên và Trang gặp Phạm Đình Khi (SN 1987) cùng nhóm bạn của Khi đi ngược chiều lại. Do Phạm Đình Khi trước đây từng có thời gian tìm hiểu Trần Thùy Trang nhưng không được Trang đồng ý nên khi nhìn thấy Trang đi cùng Kiên, Khi đã vòng xe quay lại đuổi theo Kiên và Trang. Khi dùng xe máy vượt lên chặn trước đầu xe máy của Kiên và Trang đồng thời dùng điện thoại soi vào mặt Kiên và Trang. Lúc này đám bạn của Khi cũng quay xe lại và đứng xung quanh Kiên và Trang. Tức tối vì thấy Trang và Kiên đi cùng nhau, Khi đã nổi máu ghen và nói với bạn mình rằng Kiên trước đây đã từng gây sự đánh mình. Khi hỏi Kiên: “Tại sao mày đánh tao?”, Kiên trả lời: “Anh nhầm người rồi” thì lập tức Khi lao vào đánh Kiên. Dù Trang đã đứng ra can ngăn nhưng Khi và đám bạn của mình vẫn lao vào đánh Kiên. Thấy đối phương đông người và sợ bị đánh tiếp nên Kiên hoảng sợ bỏ chạy. Khi cùng đám bạn đuổi theo Kiên. Khi vừa đuổi kịp, Khi dùng tay chụp đầu Kiên và cầm dao đâm Kiên nhưng không trúng. Kiên tiếp tục bỏ chạy nhưng Khi vẫn đuổi theo và dùng khuỷu tay đánh nhiều cái vào lưng Kiên, làm con dao đang cầm trên tay rơi xuống đường. Vừa nhìn thấy con dao, Kiên liền nhặt lên rồi đâm Khi hai nhát vào vùng bụng và ngực trái. Thấy Khi trọng thương, Kiên chạy về nhà mình, sau đó đến cơ quan công an đầu thú. Còn Phạm Đình Khi sau khi bị Kiên đâm, leo lên xe máy chạy được khoảng 100m thì cả người và xe ngã xuống đường. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng Khi đã chết trên đường đi do mất máu cấp, thủng tim và gan. Vấn đề đặt ra là Đỗ Trung Kiên có phạm tội hay không? Nếu phạm những tội gì và sẽ bị xử lý ra sao?

 

Trong vụ việc này, do Đỗ Trung Kiên đã bức xúc trước việc bị Phạm Đình Khi cùng nhóm đuổi đánh một cách vô cớ nên đã phản ứng và hậu quả dẫn đến cái chết của Khi. Ở đây vấn đề cần trao đổi là hành vi của Đỗ Trung Kiên có phải là hành vi phòng vệ chính đáng hay đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về vấn đề Phòng vệ chính đáng, cụ thể như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Hiện nay, xuất phát từ mục đích khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động phòng chống tội phạm, hạn chế thiệt hại mà tội phạm gây ra pháp luật hình sự đã quy định về chế định phòng vệ chính đáng. Theo đó, một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách “cần thiết” người đang có hành vi tấn công hiện hữu xâm phạm các lợi ích nói trên mặc dù gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công, thì hành vi này được coi là phòng vệ chính đáng và người phòng vệ không bị coi là tội phạm. 

Theo đó, hành vi được coi là phòng vệ chính đáng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Thứ nhất, hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
- Thứ hai, người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công (sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cà cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng...).

Trong trường hợp này, Phạm Đình Khi và các bạn mình có hành vi đánh Đỗ Trung Kiên đã phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của Kiên. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì phòng vệ chính đáng đòi hỏi sự chống trả lại một cách cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi tấn công trong trường hợp cụ thể. Trong vụ việc này, hành vi của Đỗ Trung Kiên nhặt dao ở dưới đất để đâm Khi rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị xâm hại. 

Do đó đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì vậy Đỗ Trung Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: 
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Đối với hành vi nhóm bạn của Khi. Những người này đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của Kiên với lỗi cố ý. Vì thế, để xác định trách nhiệm pháp lý đối với nhóm bạn của Khi phải căn cứ vào tỷ lệ thương tật cũng như các tình tiết cụ thể khác mà hành vi của những người này đã gây ra theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Ngược lại, nếu hành vi gây thương tích của 2 thanh niên kia không thuộc các trường hợp trên (chưa đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự công cộng theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau: “2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau…”.

Về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, trong trường hợp này được quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005. Cụ thể: 
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

 2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phòng vệ chính đáng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào