Xin kính chào luật sư! Xin luật sư tư vấn trường hợp của tôi như sau. Năm 1966, Nội tôi là Nguyễn Thị Tờ có tiếp nhận mảnh đất khai hoang do bà cố để lại. Thời điểm này bà có đào công sự mật nuôi 4 du kích xã, năm 1968 địch càng quét nên tất cả đã hi sinh. Từ đó nội tôi đã lấp đất chôn hầm lại. Năm 1976 chính quyền thu hồi hầm này và lấy đá xây trường học. Năm 1978, Võ Thị Vinh (người hàng xóm với nội tôi) ra mượn đất cất chòi nhỏ để ở. Sau vài tháng thì chuyển về nhà ở lại và trả lại đất cho nội tôi. Thời điểm này bà Lê Thị Chưng (Chị em cô cậu với Nguyễn Thị Tờ) đi kinh tế mới ở Đắc Lắc về không có đất nên xin bà Vinh vào ở. Bà vinh nói ""nhà thì của tôi nhưng đất là của Nguyễn Thị Tờ, chị nên hỏi ý kiến của bà Tờ". Bà Chưng hỏi ý kiến nội tôi và nội tôi đồng ý cho ở. Bà Chưng ở thời gian thì chuyển ra Đà Nẵng và để lại đất cho con trai là Trần Văn Thanh. Trần Văn Thanh ở thời gian rồi chuyển đi Phú Quốc (thời gian trước 1995). Năm 2000 nội tôi lấy lại đất và xây nhà trên đất để ở. Ở đến năm 2004 thì nội tôi đau và mất. Từ năm 2004 đến nay nhà tôi vẫn sử dụng mảnh đất đó, nhà nội tôi dùng để thờ cúng bàn thờ bà nội. Hiện tại ngôi nhà vần còn nguyên trạng. Khu đất này liền kề với khu đất nhà tôi đang ở Bà Lê Thị Chưng có 4 người con là: Trần Văn Mai, Trần Văn Thanh, Trần Thị Thu, Trần Thị Nguyệt. Bà Chưng mất khoảng trước năm 2000. Năm 2011, Lê Thị Nguyệt về tranh chấp đất với gia đình tôi.(Bà Nguyệt được Trần Văn Mai và Trần Văn Thanh ủy quyền để làm đơn khởi kiện). Hồ sơ khởi kiện gồm có: đơn kiện, trích lục Sổ mục kê đất 1998 và trích lục bản đồ địa chính 1998. (Theo Sổ mục kê đất năm 1998 thì mảnh đất trên do bà Lê Thị Chưng đứng tên) + Tôi nghĩ năm 1998 bà Lê Thị Chưng đang ở Đà Nẵng và đau ốm nên không thể kê khai đất đai được nhưng tại sao lại có tên trong sổ mục kê đất. Hơn nữa nếu có kê khai sao không phải là con trai bà Chưng là Trần Văn Thanh? hay là địa chính xã căn cứ vào việc đăng ký hộ khẩu mà ghi tên bà Chưng vào sổ mục kê đất. Thực chất tại địa phương tôi đang ở trước thời điểm 2001 không có ai kê khai đất đai. + Nhà tôi đã làm đơn trình bày về nguồn gốc của khu đất và có một số nhân chứng xác nhận. - Bà Võ Thị Vinh xác nhận nguồn gốc đất là của nội tôi - ông Lê Văn Tài (Phó Ban quân quản xã), Lê Sỹ Nghị (du kích xã ): hai người này đã tham gia lấy đá hầm bí mật nội tôi xác nhận đất này là của nội tôi và có công sự mật trên đất đó. - Trần Minh Tiến (thời điểm 1976 cũng nằm trong chính quyền xã) xác nhận đất này là của nội tôi và có công sự mật Ngày 21/2/2012, tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ đã ra thông báo cho gia đình tôi là đã có quyết định thụ lý vụ kiện dân sự này. Trong thông báo nêu hồ sơ gồm: Đơn khởi kiện, trích lục sổ mục kê đất 1998, trích lục bản đồ địa chính 1998, biên bản hòa giải và biên bản xác minhcủa tòa án. Theo tôi được biết Sổ mục kê đất và bản đồ địa chính không thuộc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1,2,5 điều 50 Luật đất đai năm 2003. Nên nhà tôi có đơn gửi Tòa án rằng vụ việc này không thuộc thẩm quyền của tòa án. Hỏi: Nhà tôi cần làm những bước gì tiếp theo để đảm bảo quyền lợi chính đáng của gia đình tôi. Cần làm gì để giải đáp việc bà Lê Thị Chưng lại có tên trong Sổ mục kê đất năm 1998 trong khi gia đình bà không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào về việc sử dụng đất (đã cắt khẩu chuyển đi khỏi địa phương từ trước năm 1995). Thẩm quyền vụ việc tranh chấp này có phải do Tòa án giải quyết không? Xin chân thành cảm ơn luật sư
Theo công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/04/2007 của Bộ Tài nguyên Môi trường thì: Sổ mục kê đất trước đây (trước Luật Đất đai năm 2003) lập theo quy định tại các văn bản gồm: Quyết định số 56-ĐKTK ngày 5-11-1981 của Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành bản quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước (dưới đây gọi là Quyết định số 56-ĐKTK); Quyết định số499/QĐ-ĐC ngày 27-7-1995 của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành quy định mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ theo dõi biến động đất đai (dưới đây gọi là Quyết định số499/QĐ-ĐC); Thông tư số1990/2001/TT-TCĐC ngày 30-11-2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dưới đây gọi là Thông tư số1990/2001/TT-TCĐC). Sổ mục kê đất được lập để phục vụ cho Nhà nước nắm đầy đủ ruộng đất và thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của pháp luật đất đai; do đó Sổ mục kê đất phải thể hiện toàn bộ các thửa đất (gồm cả thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dưới đây gọi là giấy chứng nhận) và thửa chưa được cấp giấy chứng nhận), các công trình thủy lợi và sông ngòi, kênh rạch suối trong phạm vi địa giới hành chính từng xã, phường, thị trấn. Những thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận thì thông tin của thửa thể hiện trên Sổ mục kê đất thống nhất với thông tin trên giấy chứng nhận, những thửa đất chưa cấp giấy chứng nhận thì thông tin của thửa thể hiện theo kết quả điều tra, đo đạc hiện trạng đang sử dụng đất mà chưa có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất. Vì vậy, Sổ mục kê đất cũng không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật đất đai.
Vì vậy, nếu không còn giấy tờ khác như Sổ đăng ký ruộng đất, giấy tờ mua bán trước năm 1993... thì việc Tòa án thành phố Tam Kỳ thụ lý giải quyết là trái quy định pháp luật.
Nếu như vậy bạn khiếu nại và viện dẫn văn bản trên để yêu cầu Tòa án đình chỉ vụ án vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.