Hỏi đáp về luật thừa kế đất đai?
Hỏi đáp về luật thừa kế đất đai?
Bạn chưa nói rõ nguồn gốc ngôi nhà đó thế nào? Ngôi nhà đó là tài sản riêng của bà bạn, là tài sản chung của ông bà bạn hay là tài sản chung của hộ gia đình? Ông bà bạn mất năm nào? Có còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế không? Do vậy, chúng tôi chưa thể có câu trả lời cụ thể cho bạn được. Vậy có thể trả lời bạn trên cơ sở nguyên tắc như sau:
1. Việc tranh chấp về thừa kế chỉ được Tòa án giải quyết nếu còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế của ông, bà bạn;
Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Theo đó, do bạn chưa nói rõ là bạn chỉ tranh chấp ngôi nhà hay cả ngôi nhà và quyền sử dụng đất hay còn vấn đề nào khác nữa. Trường hợp của bạn nếu bạn chỉ tranh chấp ngôi nhà và quyền sử dụng đất thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm. Nên bạn cần phải xác định rõ thời điểm ông/bà của bạn mất để xác định còn hay không còn thời hiệu khởi kiện bạn nhé.
2. Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Di chúc hợp pháp
...
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Đồng thời Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, cần phải xác định rõ xem, di chúc miệng ông bạn để lại có đảm bảo là di chúc miệng hợp pháp không? Có thể hiện trước mặt ít nhất 2 người làm chứng, đã được ghi chép lại, công chứng, chứng thực hay chưa?
Trường hợp được xác định là di chúc hợp pháp. Thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Trường hợp nếu xác định di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.
Hỏi đáp về luật thừa kế đất đai? (Hình từ Internet)
3. Tóm lại cần phải xác định rõ còn thời hiệu khởi kiện hay không? Nếu còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì một trong các thừa kế có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp Tòa án xác định có căn cứ cho rằng di chúc miệng là hợp pháp thì di sản thừa kế đó sẽ được chia theo di chúc miệng (tức để lại ngôi nhà cho cháu đích tôn trong trường hợp trên). Trường hợp Tòa án xác định di chúc miệng là không hợp pháp thì Tòa án sẽ tiến hành chia di sản theo pháp luật. Tức chia theo hàng thừa kế.
Trường hợp bạn là cháu ruột của ông, bà bạn thì bạn thuộc hàng thừa kế thứ 2.
Nếu hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì cô bạn tiếp tục được quản lý, sử dụng di sản theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật